Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013
Tin gia sư
Sinh ra ở Thái Nguyên, trong gia đình có bố là bộ đội, Lan Anh thường được nghe những câu chuyện về chiến tranh, về những cô chú thương binh, về những em nhỏ bị chất độc màu da cam. Hậu quả của chiến tranh đã ám ảnh cô.
Khi bước vào năm thứ nhất Khoa kinh tế quốc tế, ĐH Kinh tế, Lan Anh tham gia vào câu lạc bộ tình nguyện trẻ của thành phố Hà Nội. Một lần cùng các tình nguyện viên đến làng trẻ Hữu Nghị, cô bị xúc động mạnh. “Nhìn thấy những em nhỏ nhiễm chất độc da cam, có em thì không nói được, có em thì ú ớ, có em ngoài 20 tuổi mà như đứa trẻ, cười một cách vô cảm, mình tự nhủ phải làm gì đó”.
Ban đầu, Lan Anh dạy hai em bị nhiễm chất độc da cam, bị thiểu năng trí tuệ ở làng trẻ Hữu Nghị. Sau đó cứ gặp thêm em nào là Lan Anh giúp đỡ. Cho đến nay, Lan Anh đã dạy 6 em, có thời gian cô dạy 4 em cùng lúc. Học sinh của Lan Anh phần lớn chưa qua lớp một, hoặc học rồi nhưng đã quên hết. Với mỗi em, cô đều dạy từ hơn một năm đến hai năm, lâu nhất là gần ba năm, đến khi biết đọc, biết viết.
Lan Anh đang dạy một em tập viết. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Để dạy được những học trò đặc biệt này, Lan Anh cho biết quan trọng nhất là tính kiên nhẫn, bền bì và phải có tình yêu với trẻ. Cô gia sư nhớ như in câu chuyện về từng em. Em Tiềm ở làng trẻ Hữu Nghị, ham học, nhưng trí nhớ rất kém, học cả tuần chỉ nhớ được duy nhất chữ A, hai tháng sau mới có thể đánh vần tên cô giáo.
Có em tên Sáng, ban đầu lười học lắm. Em viết tay trái nên cứ đổ lỗi cho điều đó mà không chịu học. Khuyên mãi em không nghe, cô đành dùng chiêu kích động: “Chị cũng viết tay trái, chị sẽ viết đẹp hơn em”. Về nhà, Lan Anh cặm cụi học viết tay trái khiến mọi người trong nhà cười nắc nẻ. Nhưng nhờ chiêu đó mà Sáng học chăm hơn rất nhiều.
Một em khác, khi học tiếp thu bài khá tốt, nhưng thời gian sau ôn lại kiến thức cũ thì em ấy không nhớ gì cả. Vậy là cô trò lại cặm cụi dạy và học từ đầu. “Những lúc như thế mình buồn lắm, không phải tại các em hay tại mình không cố gắng mà tại khả năng của các em chỉ như vậy”, Lan Anh nói.
Hiện Lan Anh dạy hai học sinh Nguyễn Phương Thảo và Nguyễn Khánh Vân ở phố Nguyễn An Ninh. Thực ra họ đã là thiếu nữ (trên 18 tuổi), tuy nhiên rất rụt rè, nói không rõ nên những buổi đầu cô gia sư chủ yếu là nghe để hiểu ngôn ngữ. Giờ thì Lan Anh có thể hiểu rõ các em nói gì.
Mẹ hai em, chị Nguyễn Thị Khánh khoe: “Trước khi Lan Anh đến đây, hai đứa được học đến nửa lớp một, nhưng đã quên gần hết, giờ thì chúng có thể đánh vần một bài thơ, làm toán cộng trừ trong khoảng 100”. Chị cũng kể rằng hôm nào hai em đi chợ, đưa 10 mà mua hết 9 nghìn thì cũng biết chỉ một ngón tay là còn một nghìn thừa. Trước đây họ có trả thì lấy, không trả thì cũng không biết là thừa.
Các học sinh của Lan Anh đều nghèo. Lan Anh kể vào một dịp giáp Tết, cô yêu cầu một em tên là Cầm viết bài về cái Tết của gia đình, cứ thấy em loay hoay mãi mà chỉ viết được một dòng duy nhất: “Tết trong nhà em không có gì nên em không biết miêu tả thế nào”. Cả cô và trò nhìn nhau khóc.
Lan Anh (ngoài cùng bên phải) chụp cùng các tình nguyện viên trong Câu lạc bộ tình nguyện trẻ. Ảnh nhân vật cung cấp.
Bên cạnh việc dạy chữ thì việc giúp các em biết giao tiếp, chia sẻ và cởi mở hơn với mọi người cũng rất quan trọng. Xen kẽ với việc dạy chữ, Lan Anh thường xuyên trò chuyện, hỏi thăm các em. “Mình hỏi các em hôm nay ăn gì, mẹ hôm nay làm gì, đã đọc bài chị giao chưa, em gái như thế nào? Hỏi như vậy sẽ thúc đẩy các em biết trò chuyện, kể, miêu tả và quan tâm hơn đến mọi thứ xung quanh”, cô chia sẻ.
Hạnh phúc lớn nhất của cô giáo trẻ là khi học sinh của mình biết chia sẻ, quan tâm đến người khác. Lan Anh còn nhớ như in kỷ niệm vào ngày 20/11 năm ngoái, một em đã tặng chiếc thuyền giấy tự gấp, một em khác tặng phong bì có mấy bức tranh tự vẽ. “Chiếc thuyền thì không được đẹp và mấy bức tranh thì đến bây giờ vẫn chẳng hiểu nội dung, nhưng mình vui lắm bởi khi mình mới đến, các em còn không biết chào hỏi, vậy mà giờ đã biết tự tay làm quà cho người khác”, cô cười, đôi mắt không giấu được vẻ tự hào.
Để có thể gia sư tình nguyện cho các em thiểu năng trí tuệ, Lan Anh gặp phải không ít những khó khăn từ gia đình. Bố mẹ muốn Lan Anh phải đạt kết quả giỏi nhưng hai năm đầu tiên cô chỉ đạt kết quả khá. Vì thế, bố mẹ phản đối chuyện cô tham gia hoạt động tình nguyện vì thấy tốn quá nhiều thời gian. Để thuyết phục bố mẹ, Lan Anh đã lên quyết tâm phải đạt kết quả giỏi trong năm thứ ba. Đây là khoảng thời gian thực sự khó khăn với cô, vừa học để đạt loại giỏi, vừa gia sư cũng lúc bốn em thiểu năng trí tuệ.
“Có những lúc mình thấy thực sự mệt mỏi, đi học cả ngày, tối đi dạy, đêm về lại học. Nhưng thật may là cuối năm đó mình đạt loại giỏi, gia đình không gây áp lực nữa, cũng nhờ đó mà mình biết cách làm việc theo kế hoạch”, cô tâm sự.
Hiện tại, Lan Anh là sinh viên năm cuối, cô đang đi thực tập tại công ty chứng khoán SSI. Khi có người hỏi sẽ gia sư tình nguyện đến bao giờ, cô cười: “Khi mình tâm sự với bạn bè rằng sẽ tham gia tình nguyện cho đến khi chết, các bạn ấy cười bảo mày giỏi lắm thì làm đến lúc lấy chồng. Mình thì lại nghĩ khác, mình tin rằng sẽ chỉ ngừng hoạt động tình nguyện khi không thể tham gia được nữa”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét